Cẩn thận với bệnh thoái hóa cột sống lưng

Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng rất thường gặp, không gây tử vong, nhưng có tính chất dai dẳng gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn khó chịu, người bệnh bị khó khăn khi cử động vùng thắt lưng, gây giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Yếu tốgây bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống là hậu quả của nhiều yếu tố: tuổi tác; giới tính; nghề nghiệp lao động nặng; các yếu tố khác như: tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động…
Do phải chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm liên tục kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên các dấu hiệu và biến chứng trong thoái hóa cột sống.
Những dấu hiệu nguy hiểm đối với người bệnh
Triệu chứng chèn ép rễ dây thần kinh phổ biến ở thoái hóa cột sống nặng do các gai xương thân đốt sống phát triển chèn ép vào lỗ liên hợp đốt sống. Song Song với sự thoái hóa đốt sống, đĩa đệm cũng bị thoái hóa và nguy cơ phình, thoát vị đĩa đệm sẽ dẫn tới chèn ép rễ dây thần kinh (biểu hiện đau dây thần kinh tọa).
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoái hóa đốt sống lưng chính là một trong những nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm thắt lưng, một tình trạng thu hẹp không gian đĩa đệm, gây kích thích các dây thần kinh xung quanh vùng thắt lưng - kể cả các dây thần kinh nhỏ trong không gian đĩa đệm và các dây thần kinh lớn đi ra từ đó. Tình trạng này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh như:
- Đau mỏi thắt lưng, có thể lan xuống hông và chân, cảm giác đau thắt lưng liên tục và không có dấu hiệu suy giảm.
- Đau tăng khi bị lạnh, đi lại, vận động, ho, hắt hơi, cười. Khi nghỉ ngơi, nằm co chân thì đỡ đau.
- Đau thắt khi thay đổi tư thế đột ngột, thu hẹp phạm vi hoạt động của cột sống gây ra bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
- Rối loạn, giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác chi dưới.
- Trường hợp nặng hoặc bệnh lâu ngày có thể teo cơ chi dưới.
Trượt đốt sống vùng eo
Thoái hóa cột sống thắt lưng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trượt đốt sống eo với những triệu chứng sau:
- Đau: Người bệnh đau cột sống thắt lưng âm ỉ liên tục, đau tăng khi cột sống phải chịu lực như khi đứng, đi bộ, lao động…nhưng nằm nghỉ thì hết đau hoặc đau giảm
- Rối loạn cảm giác: Người bệnh thường giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác chi dưới.
- Teo cơ: Chi dưới yếu, giảm khả năng vận động, lâu ngày dẫn tới teo cơ thậm chí là liệt.
Chèn ép đám rối thần kinh đuôi ngựa
Gai cột sống phát triển quá mạnh, chèn ép vào ống tủy sẽ gây nên hội chứng thần kinh đuôi ngựa với các biểu hiện:
- Đau thắt lưng dữ dội
- Đau, tê hoặc yếu ở một hay cả hai chân khiến người bệnh thường xuyên vấp ngã hay khó khăn khi ngồi xuống ghế.
- Mất dần cảm giác ở vùng chân, mông, đùi, lưng, cẳng chân hoặc bàn chân.
- Mất kiểm soát chức năng bàng quang hoặc ruột khiến gây nên tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ.
- Rối loạn chức năng tình dục đột ngột
Khi có biểu hiện bệnh thoái hoá cột sống, người bệnh nên:
- Khi đau, bênh nhân nằm nghỉ, thư giãn nhưng không nằm quá lâu tại một vị trí làm máu khó lưu thông.
- Khi giảm đau nên đi lại nhẹ nhàng.
- Có thể chườm nóng, xoa bóp nhẹ nhàng để giảm đau.
- Điều trị ở bệnh viện sau khi chẩn đoán, khám chụp phim như điều trị theo tây y, đông y theo hướng dẫn của bác sĩ, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu, phẫu thuật.
- Nên hạn chế các nguyên nhân gây bệnh từ thói quen trong sinh hoạt.
- Thể dục thể thao đúng cách như bơi lội trong nước nóng, tắm bùn nóng, tắm suối khoáng nóng, tập các bài tập đơn giản tốt cho cột sống.
- Mặc áo nẹp cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng trong các trường hợp thoái hoá kết hợp trượt đốt sống gây mất vững cột sống.

https://news.zing.vn/nhung-sai-lam-thuong-gap-khi-dieu-tri-thoai-hoa-cot-song-post958437.html